13/10/2020
Lượt xem: 515
Hội thảo đánh giá các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh Sóc Trăng
Nhằm để chọn tạo các giống lúa thơm có chiều dài hạt, hình dạng hạt và chất lượng cơm gần tương đương phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thực hiện đề tài "Lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh Sóc Trăng", các giống lúa thơm sau khi lai tạo đã được nông dân trồng để khảo nghiệm đánh giá.
Sau thời gian nghiên cứu, lai tạo, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng do TS. Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra 06 giống lúa thơm (gồm các giống KHCNST1, KHCNST2, KHCNST3, KHCNST4, KHCNST5, KHCNST6) trồng khảo nghiệm tại ruộng ông Lâm Sà Thol, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thắng, ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề.
Tại Hội thảo vào ngày 08/10/2020, theo đánh giá của ông Thol, lúa được cấy 01 tép, không đỗ ngã, trổ đều, bông dài, so với giống lúa ST 20 có phần ít phân hơn, thời gian sinh trưởng dài hơn khoảng 3 ngày.
Ảnh ruộng khảo nghiệm các giống lúa
Ảnh quang cảnh Hội thảo
Sau khi tham quan, đánh giá bước đầu, các đại biểu và bà con nông dân rất phấn khởi, mong muốn Đề tài sớm được đánh giá, nghiệm thu để có được giống mới cho Hợp tác xã sản xuất. Nhóm thực hiện tiếp tục theo dõi, phân tích, đánh giá. Mục tiêu của Đề tài hướng đến chọn tạo các giống lúa thơm với hàm lượng amylose từ 15-19%, năng suất cao hơn giống lúa ST 20 ít nhất là 10%, có thể chịu được một trong các điều kiện bất lợi như: mặn, ngập, phèn, kháng bệnh đạo ôn, bạc lá và kháng rầy Nâu; có chất lượng cơm gần giống nhau phục vụ cho các cánh đồng lớn ở những vùng sinh thái mặn được ngọt hóa.
Tin và ảnh: Nguyễn Thanh Dũng